Taichi
SƠ LƯỢC VỀ THÁI CỰC QUYỀN
Tư tưởng: Tên gọi Thái Cực Quyền xuất phát từ tư tưởng Thái cực trong Chu dịch và học thuyết Âm Dương: Vô cực sinh Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ tượng (hai chân, hai tay), Tứ tượng sinh Bát quái (tám tiết đoạn của tay chân gập duỗi được), Bát quái biến 64 quẻ v.v. “Thái” ở đây nghĩa là to lớn, “cực” nghĩa là điểm bắt đầu. Thái Cực Đồ nói rằng: “Vô cực mà thái cực”. Dùng lối thở bụng của Đạo gia, Thái Cực Quyền khiến người tập hô hấp thâm trường không bị rối loạn, sức mạnh gia tăng, hình thành một công phu đặc thù trong võ học. Các động tác của bài quyền uyển chuyển và mềm mại, trong nhu có cương, dung hợp với học thuyết kinh mạch âm dương. Thái Cực Quyền đã trở thành một phương pháp tập luyện trong ngoài tương ứng, hình thức và tâm ý kết hợp.
Tính nhân văn: Nét chính yếu của Thái Cực Quyền là mô phỏng các hiện tượng tự nhiên. Nhiều chiêu thức trong bài hình ít nhiều mang đặc tính lãng mạn và nhân văn, ví dụ như: Vân thủ (nghĩa là chiêu thức xoay tay như mây trắng xoay cuộn giữa trời xanh), bạch hạc lượng xí (con chim hạc vui múa), Ngọc nữ xuyên thoa (thiếu nữ may áo), Chuyển thân bài liên (lá sen lay động trước gió), Như phong tự bế (như gió thổi làm cửa đóng), Hải để châm (kim châm đáy bể) v.v. Thái Cực Quyền cũng là bộ môn ứng dụng nội công, rất thâm thúy và sâu sắc, với những tâm pháp mà các môn sinh phải thuộc nằm lòng để thi triển và ứng dụng hữu hiệu. Tuy chỉ có một bài quyền với các chiêu thức đơn giản nhưng người tập phải trải qua một tiến trình tập rất dài mới thấu hiểu lý pháp.
Nguyên tắc tập luyện: Các nguyên tắc, yếu lĩnh tập luyện khai triển Thái Cực Quyền mỗi dòng phái có sự dị biệt ít nhiều, tuy nhiên thường có một vài nguyên tắc khá liên quán, thống nhất. Dưới đây là một số nguyên tắc của dòng Dương thức Thái Cực Quyền:
Hư linh đỉnh kình: đầu cổ ngay thẳng, thần quán ở đỉnh Hư linh đỉnh kình: đầu cổ ngay thẳng, thần quán ở đỉnh.
Hàm hung bạt bối: ngực lõm, lưng phẳng để khí trầm đan điền
Tùng yêu: chân tay theo sự vận động của eo, lấy eo làm chỗ dựa
Phân hư thực: hư, thực rõ ràng.
Trầm kiên trụy chẩu: vai lỏng chỏ buông
Dụng ý bất dụng lực: lấy ý điều khiển động tác
Thượng hạ tương tùy: trên dưới theo nhau
Nội ngoại tương hợp: trong ngoài hợp nhau, tâm ý khí lực là một
Tương liên bất đoạn: động tác liên tiếp không dừng, thao thao bất tuyệt, liên miên như kéo tơ.
Động trung cầu tịnh: Trong động tìm cái tĩnh. Lấy tĩnh chế động.
Tác dụng của Thái Cực Quyền
Dưỡng sinh: Thái Cực Quyền giúp luyện tập thở sao cho cung cấp đủ ôxy cho cơ thể, rèn luyện phổi, đặc biệt là tăng thể xốp, tăng hấp thụ ôxy và luyện cơ hoành (còn gọi là hoành cách mô). Khi tập, Thái Cực Quyền giúp tối ưu hệ thống hô hấp cung cấp đủ oxy cho cơ thể làm cân bằng dinh dưỡng. Khi phổi được cung cấp đủ lượng oxy, các chất thừa sẽ bị đốt cháy hết tránh được các bệnh do thừa chất và vì vậy, có tác dụng giảm béo.
Sự co duỗi của các động tác làm nên ứng suất cục bộ bên trong các mạch máu, giúp cọ rửa mạch máu một cách tự nhiên làm cho lưu thông máu huyết. Sự lưu thông máu huyết cũng đồng nghĩa với tăng dưỡng chất, tăng hiệu suất hoạt động các cơ quan và có nhiều bạch cầu đến hơn làm cho hệ thống miễn dịch được tăng cường khắp mọi nơi trong cơ thế nên kháng được các loại vi trùng, vi rút xâm nhập cơ thể.
Khi tập Thái Cực Quyền, có nhiều lúc người tập phải xoay chuyển cơ thể theo nhiều góc độ khác nhau và có những lúc chỉ phải đứng trên một chân. Điều này giúp cho rèn luyện phần tiền đình não, cơ quan giữ thăng bằng của cơ thể, làm giảm nguy cơ mất thăng bằng, chóng mặt, ngã té ở người lớn tuổi và tăng phản ứng nhanh cho mọi lứa tuổi.
Tập Thái Cực Quyền trong trạng thái thư giãn thoãi mái về trí não và cơ thể làm cho trạng thái tinh thần của con người đạt đến điểm tối ưu, một trạng thái thư thái thật khó tả huyền bí (chỉ có tập rồi mới cảm nhận được). Làm cho giảm stress cân bằng tinh thần…
Tự vệ: Những chiêu thức của Thái Cực Quyền cho phép một người nhỏ con hơn yếu hơn có thể đánh ngã người to lớn hung dữ hơn theo những nguyên lý “tá lực đả lực” (mượn sức đánh sức), “tứ lạng bát thiên cân” (bốn lạng đẩy ngàn cân) v.v.
Dựa vào nguyên lý cơ học rất căn bản là cánh tay đòn, những vòng tròn, chuyển động xoay, cách di chuyển cơ thể và sử dụng lực một cách tối ưu nhất, lợi dụng lực quán tính để hóa giải, phòng thủ hay tấn công nhưng mục đích chủ yếu chỉ nhằm làm đối phương té ngã, và bị phản đòn trở lại. Theo học thuyết Thái Cực Quyền thì kẻ tấn công càng mạnh sẽ phải chịu đòn phản công càng nặng.
HUẤN LUYỆN VIÊN
Mr Nghi
HLV Taichi