Cảm nhận về Aikido

Khi biết tôi là võ sinh, ai cũng hỏi tôi học môn nào, tôi tự hào trả lời :”tôi học Aikido”. Nhưng có lẽ do các yếu tố của Aikido nên nó có vẻ xa lạ và mới mẻ với mọi người. Khi học Aikido, các võ sinh không cần phải to cao, khoẻ mạnh, dẻo dai. Mà một yếu tố quang trọng nhất, đó là bạn phải siêng năng. Siêng năng từ cơ thể đến cả những suy nghĩ của bạn. Vì khi bạn là một võ sinh mới hay chỉ vô tình vào phòng tập tham quan, bạn sẽ nhận ra sự nhàm chán khi thấy những võ sinh khác tập cùng nhau (theo quan điểm của tôi). Để quyết định đi học thì bạn phải có một quyết tâm và thay đổi suy nghĩ của mình rất nhiều. Bản thân tôi, đôi lúc cũng thoáng qua cái ý nghĩ chán nản, bỏ cuộc. Nhưng với sự nhiệt tình và dạy dỗ của thầy, tôi cũng dần vượt qua, nhen nhóm thêm ngọn lửa nhiệt huyết.

Khi tập võ, chúng ta cần một ngọn lửa, đừng lớn quá, hay nhỏ quá, vỡ khi lớn quá, nó sẽ cháy hết và bạn chẳng còn gì. Còn nếu nhỏ quá, thì những ý nghĩ xấu sẽ dập tắt ngọn lửa đó mất. Nên chúng ta cần một người thắp lửa, và còn phải biết giữ lửa, đó là thầy của chúng ta. Người thầy đóng vai trò rất quan trọng đối với võ sinh. Ngoài việc dạy võ cho chúng ta, còn là tấm gương sáng cho chúng ta, dạy chúng ta đạo lý làm người của một võ sinh: không gây hấn, không thù hận, không căm ghét, và không hiếp đáp kẻ yếu. Thầy còn cần cù trao dồi thêm cho kiến thức to lớn theo thời gian của mình rồi truyền đạt lại cho võ sinh của mình, từ những nguyên tắc, nguyên lý của Aikido cho đến những kiến thức ngoài đời mà những hiểu biết nhỏ nhoi của chúng ta chưa được cập nhật. Thầy tuyệt đối không giấu bất cứ gì của thầy đó học hỏi tìm tòi, những kinh nghiệm đúc kết được, truyền đạt hết cho môn sinh của mình.

Bên cạnh đó, thêm một yếu tố cũng không kém phần quan trọng đó là những bạn cùng lớp, những người tập cùng chúng ta hay có thể gọi là anh em. Võ sinh Aikido có thể tự tập một mình, nhưng không thể phát triển được nếu không tập cùng các võ sinh khác, vì họ là ta, và ta cũng là họ.

Mới đầu tập Aikido, tôi vào lớp và lựa chọn những bạn cùng cỡ với mình để tập luyện, nếu không có, tôi sẽ tập một mình, và không chú ý đến những người khác. Như thế, là một điều tối kỵ với những ai học Aikido, võ Aikido là hiệp khí đạo hay là hợp khí đạo, chúng ta phải biết hợp với tất cả mọi người, khi đó ta mới phát triển được.

Hãy “yêu” lấy đồng môn của mình, “yêu” đây không có nghĩa là tình cảm nam nữ, mà “yêu” đây chính là “hợp”, là “Ai” trong Aikido. Và sau này khi tôi vào lớp, với tôi, ai cũng như ai, không phân biệt già trẻ lớn bé, bạn, người yêu hay kẻ thù, tôi đều coi họ là đồng môn và tập luyện như thầy đã dạy tôi. Có thể mọi người không tin nhưng một đứa bé lớp ba vẫn có thể tập cùng một người thanh niên, và quật ngã anh ta. Chúng ta điều biết, một đứa bé làm sao quật ngã một người lớn, đó chỉ là do anh ta giả trúng đòn, và té, vì tập Aikido giả mà thật, thật mà giả. Nhưng mọi người đều thấy vui, nở nụ cười với nhau, đó cũng chính là tinh thần Aikido.

Aikido dựa trên tinh thần bất đối kháng, các nguyên lý vật lý được áp dụng triệt để. Bạn nắm được điều đó, coi như bạn chính thức là một võ sinh Aikido. Khi tập thời gian dài theo năm tháng, mọi thứ bạn tập, đều trở thành là của bạn và sẽ bảo vệ bạn khỏi những tác động bên ngoài làm hại bạn. Nhưng bạn cũng sẽ không làm hại lại đối phương của bạn.

Nghĩ về võ thuật, ai cũng sẽ nghĩ làm sao võ lại vừa giúp ta thoát khỏi nguy hiểm, mà lại vừa không đem nguy hiểm đến cho đối phương. Điều đó thật vô lý. Và đúng là như vậy thật, võ thuật làm sao mà không có sát thương. Môn nào cũng vậy kể cả Aikido. Điều quang trọng, là ở suy nghĩ mỗi người, ta muốn gây ta sát thương hay không mà thôi. Nếu ta gây ra sát thương nhiều, thì lòng thù hận của đối phương với ta càng tăng nhiều. Vậy tại sao chúng ta không hạ đối phương nhưng không làm họ bị thương, để họ tâm phục, khẩu phục mà rút lui, tránh thêm nhiều chuyện xảy ra. Theo lời tổ sư: “Chiến thắng đích thực là chiến thắng chính bản thân mình, cuộc chiến đích thực là cuộc chiến không xảy ra”, vì lẽ đó muốn làm môn sinh Aikido thì hãy thực thi theo.

Khi thực hiện được những điều trên, chữ “Ai” trong Aikido bạn đó phần nào đạt được. Nhưng còn chữ “ki” thì sao?

“Ki” ở đây tuỳ theo cấp độ và suy nghĩ của môn sinh Aikido. Nó có thể là khí lực, là sinh lực, hay nội lực như bên trường phái thiền hay khí công mà người ta muốn đạt tới. Hay cũng có thể là hơi thở, là sự thở theo những những người bình thường tập thở. Đối với tôi, “ki” là lực, là thể lực và là hơi thở. Aikido giúp người ta biết cách thở khi vận động, biết hợp lực của mình vào lực của đối phương và hóa giải chúng. Khi tập luyện, chúng ta phải thở thật đều, thật thoải mái, thì bạn mới duy trì lâu cơ thể được. Những ai tập võ, liệu có bao giờ tự hỏi mình có bao nhiêu thể lực và hạ được bao nhiêu đối phương là nhiều nhất hay không?

Cứ tưởng chừng hợp lực là chuyện dễ như nói ra, hay quan sát các thầy các cô của mình thi triển. Nhưng khi làm, lại là rất khó. Khó ở đâu? ở những suy nghĩ đối kháng, ở hơi thở lúc dồn dập, lúc đứt quãng. Bạn phải khẳng định là Aikido là tinh thần bất đối kháng và phải tìm hướng khác để đi khỏi va chạm vào lực hay hướng của đối phương tới khi đối phương gục ngã, mà bạn vẫn còn thoải mái khoẻ mạnh, bạn đó đạt chữ “ki”.

Một điều nữa chúng ta phải quan tâm nữa đó là Aikido dựa vào đâu? Đó là từ những nguyên lý vật lý trong cuộc sống chúng ta. Những chuyển động tròn, hình cầu, hình xoắn ốc, lực ly tâm quay quanh trục mà chúng ta được học rất nhiều khi học trung học, nhưng mảy may không chú ý đến hay biết vận dụng nó. Người biết vận dụng những nguyên tắc vật lý đó, người đó biết Aikido.

Cuối cùng là “do” hay là đạo trong Aikido. Chúng ta học võ, không chỉ học cách hạ đối phương, mà còn phải biết giữ cái đạo của mình. Đạo là con đường dẫn đến giác ngộ. Aikido còn là đường lối, là chánh đạo về hợp nhất thân thể và tinh thần làm một theo nguyên tắc, đường lối. Luyện tập Aikido theo cách đơn thuần chỉ là về kỹ thuật vận động tay chân mà không có nguyên tắc hiệp khí và không hiểu thế nào là võ đạo tình thương, chỉ biết dùng vũ lực mà không có suy nghĩ, không có tinh thần nhân ái, sẽ chỉ tạo thêm sự hận thù sâu sắc kể cả việc đánh thật hay tập luyện đều là điều không tốt sẽ không ai dám tập cùng ta nữa.

Tổ sư Morihei Ueshiba lập ra Aikido từ những kỹ thuật cứng rắn thô bạo ban đầu, ông đã lọc ra và làm cho chúng nhẹ nhàng đi theo tinh thần nhân ái, thanh tao, uyển chuyển hàm chứa nguyên tắc hợp khí chứ không có sự huỷ diệt của cuộc chiến sinh tử.

Là môn sinh Aikido, tôi tự hỏi mình đã đạt được tới đâu những kỹ thuật, những nguyên tắc bên trong. Nhưng nó không còn quan trọng vì với tôi khi được tập, được học, được suy ngẫm về những kỹ thuật của mình rồi sẽ truyền lại cho đời sau tiếp tục phát huy, và phải truyền bá Aikido cho mọi người để ai cũng biết “Aikido là tinh thần bất đối kháng”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *